Lời Tiên Tri

Ngày giáng trần lập đạo của Thượng Đế đã được tiên tri từ mấy ngàn năm về trước. Jesus Christ đã phán trong Thánh Kinh.

Mathew 24: 42. 43. 44.

Vậy hãy thức canh, vì các ngươi không biết Chúa các ngươi đến nhằm ngày nào. Nhưng hãy biết điều nầy, nếu chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm đến, thì thức canh, không để cho đào khoét nhà mình. Vậy nên, các ngươi hãy chực sẵn, vì Con người đến trong giờ các ngươi không ngờ.

Thessalonians I 5:2.

Vì chính anh em biết rõõ lắm rằng ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.

2 Peter 3:10.

Song ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm, bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị lửa hừng tiêu hóa, đất và các công tác trên nó đều bị đốt cả.

Revelation 3:3.

Vậy, hãy nhớ lại, người đã nhận và nghe thế nào, hãy giữ lấy và ăn năn đi. Nếu ngươi không tỉnh thức ta sẽ đến như kẻ trộm và ngươi hẵn chẳng biết giờ nào ta thoạt đến với ngươi.

Trong quyển Phật tông nguyên lý, khi Đức Thích Ca viên tịch, đệ tử của Ngài Ananda rơi lụy hỏi rằng: “Khi Tôn Sư nhập Niết Bàn rồi ai dạy bảo các con?” Đức Phật đáp: “Ta chẳng phải vị Phật đầu tiên cuối cùng, ngày giờ đến, sẽ có một Đấng khác xuất hiện cứu đời, một Đấng Chí Thánh, một Đấng Đại Giác, cực kỳ cao thượng, một Đấng dẫn đạo vô song, một Đấng Chúa Tể Thánh Thần và loài người, Đấng ấy sẽ truyền dạy các con một mối đạo vinh diệu buổi sơ khai, vinh diệu buổi thạnh hành, vinh diệu buổi kết cuộc, Đấng ấy sẽ xướng xuất một đời sống đạo đức hoàn toàn thuần khiết”. Đấng Chúa Tể Thánh Thần và loài người chỉ có thể là Đức Thượng Đế mà thôi.

Lời tiên tri trong quyển Thanh Tịnh Kinh của Lão giáo: “Thanh Tịnh kinh hữu di tích. Công viên quả mãn chỉ thọ đơn thơ. Thiên mạng phương khả truyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Nghĩa là: “Kinh Thanh Tịnh có dấu tích để lại rằng. Công đầy quả đủ sẽ được lãnh thọ đơn thơ. Người có mạng Trời khá nên truyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”.

Lời tiên tri trong quyển Vạn Phát Quy Tông: Quyển Vạn Pháp Quy Tông lưu truyền trong nhân gian hơn mấy trăm năm nay có câu “Cao Đài tiên bút thi văn tự”. Nghĩa là trong Đạo Cao Đài mai sau sẽ có thơ văn của chư tiên do thần cơ diệu bút tiếp ra.

Lời tiên tri của các Lão sư Chi Minh Sư: ở Trung Hoa, sau khi nhà Thanh lên thay thế nhà Minh, một số cựu thần nhà Minh không tùng phục Mãn Thanh, lên núi ẩn tu lập ra chi Minh Sư, Minh Đường. Một quyển kinh của các Lão Sư phái ấy được chuyển sang Việt Nam. Ngoài bìa sách ấy có hai câu thơ:

Cao như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng,
Đài tại Nam phương đạo thống truyền.
Câu đối nầy cho biết Đạo Cao Đài sẽ xuất hiện tại Nam Phương.

Lời tiên tri trong hai bài thơ của chơn linh cụ Thủ Khoa Huân năm 1913. Tại quận Cao Lãnh Việt Nam ngày 3 tháng 1 năm 1913, các ông văn nho có họp nhau tại nhà ông Lê Quang Hiển để phò cơ thỉnh tiên. Khi lên cơ, chơn linh cụ Thủ Khoa Huân, một nhà văn sĩ bị Pháp xử tử hình tại Mỹ Tho, giáng cơ cho hai bài thơ:

Dung tất Cao Đài nhiệm khuất thân
Tứ triêm đào lý nhứt môn xuân
Cánh tân bôi ước giang san cựu
Trừ cựu thời thiêm tuế nguyệt tân
Cửu thập thiều quang sơ bán lục
Nhất luân minh nguyệt vị tam phân
Thừa nhàn hạc giá không trung vụ
Mục đỗ Cao Đài tráng chí thân.

Thích nôm

Co dũi Cao Đài khỏe tấm thân
Dạo xem đào lý đượm mùa xuân
Giang san chẳng khác ngàn năm cũ
Ngày tháng chờ thay một chữ tân
Chín chục thiều quang vừa nửa sáu
Một vừng trăng rạng chửa ba phân
Thừa nhàn cỡi hạc không trung ruổi
Chạm mắt Cao Đài khỏe tấm thân.

Thời buổi ấy các ông không rõ danh từ Cao Đài nghĩa là gì. Mãi đến năm 1927, Tòa Thánh Tây Ninh phái chức sắc đến Cao Lãnh truyền đạo và hai chữ Cao Đài được mọi người nhắc đến. Chừng ấy ông Lê Quang Hiển mới nhớ lại bài thơ của cụ Thủ Khoa Huân đã cho mười ba năm trước.

Thượng Đế, ứng hợp với những lời tiên tri, đã giáng trần, như một kẻ trộm ban đêm, thế giới không hay biết, bằng huyền cơ diệu bút, sáng lập đạo Cao Đài tại Việt Nam vào năm Bính Dần 1926.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>