Tổ Chức Đạo Cao Đài
Vào năm 1926, Đức Cao Đài và Đức Lý Thái Bạch có giáng cơ ấn định tổ chức đạo Cao Đài như sau:
I. Quyền Thiêng Liêng: Do Bát Quái Đài là cơ quan lập pháp tối cao của Đại Đạo đặt dưới quyền chưởng quản của Đức Cao Đài cùng các Đấng Thiêng Liêng như Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử, Khổng Tử, Quan Thế Âm, Lý Thái Bạch Đại Tiên, Quan Thánh Đế Quân, Jesus Christ… Bát Quái Đài là nơi thờ phượng Đức Thượng Đế cùng các Đấng Thiêng Liêng.
II. Quyền Hữu Hình: Gồm có Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.
1. Cửu Trùng Đài: Là cơ quan hành pháp của Đại Đạo thi hành các luật pháp để độ rỗi chúng sanh. Tuy nhiên Cửu Trùng Đài chỉ có quyền về phần xác mà thôi. Chỉ có Bát Quái Đài mới có quyền về phần hồn. Cửu Trùng Đài đựơc đặt dưới quyền của Giáo Tông. Dưới Giáo Tông có những chức sắc như sau:
– 3 vị Chưởng Pháp
– 3 vị Đầu Sư
– 36 vị Phối Sư
– 72 vị Giáo Sư
– 3,000 Giáo Hữu
– Vô số Lễ Sanh
– Vô số Chức Việc
Chưởng Pháp có nhiệm vụ xem xét luật lệ trước khi được ban hành. Đầu Sư có nhiệm vụ trông nom về phần đời của các tín đồ. Trong 36 vị Phối Sư bầu ra 3 vị Chánh Phối Sư. Ba vị nầy có quyền thay mặt Đầu Sư. Phối sư thi hành trách nhiệm của Chánh Phối Sư giao phó và có thể đứng đầu điều hành một viện tại Tòa Thánh. Giáo Sư đứng đầu một Trấn Đạo hay là vùng. Giáo Hữu đứng đầu một Châu Đạo hay là tỉnh. Lễ Sanh đứng đầu một Tộc Đạo hay là quận. Chức Việc đứng đầu một Hương Đạo hay là xã.
2. Hiệp Thiên Đài: Là cơ quan lập pháp làm trung gian giữa Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài. Hiệp Thiên Đài là nơi Đức Cao Đài và các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ ban truyền luật đạo, thánh giáo và cũng là nơi Giáo Tông cầu nguyện thông công với Bát Quái Đài. Hiệp Thiên Đài còn là cơ quan ban hành, gìn giử giáo pháp để tránh tình trạng thất chơn truyền. Hiệp Thiên Đài được đặt dưới quyền của Hộ Pháp.
Leave a Reply